Ứng dụng Tơ_nhện

Các nhà nghiên cứu của Đại học Wyoming Hoa Kỳ đã tạo ra tằm có thể nhả tơ chắc chắn như tơ nhện. Thành công trên nhờ vào sự phát hiện một loài nhện đặc biệt ở Madagascar vào năm 2009, được gọi là nhện Caerostris darwini. Loài nhện này không những tạo ra mạng lưới lớn nhất (với các tấm lưới trải dài đến 25m), mà tơ của nó được công nhận chắc chắn nhất trong loài (có thể hấp thu năng lượng cao gấp 3 lần sợi Kevlar).

Ứng dụng của tơ nhện lai tằm mới được trải rộng qua nhiều lĩnh vực, từ vật dụng như dù, túi khí xe hơi, trang phục thể thao, đến các mục đích điều trị y khoa, như băng phủ vết thương, chỉ khâu, dây chằng và gân nhân tạo, hỗ trợ các khớp lành sau đợt chấn thương, thậm chí còn giúp dây thần kinh phục hồi và tái tạo. Tơ nhện được sử dụng làm áo giáp chống đạn. Nhà khoa học Huby thuộc Viện vật lý Rennes, Pháp cùng nhóm nghiên cứu của mình đã thành công trong việc chuyển ánh sáng laser trên một đoạn tơ trong mạch của con chip. Sợi tơ có thể truyền tải thông tin tới các thiết bị điện tử.

Sợi tơ có đường kính nhỏ hơn 10 lần so với 1 sợi tóc nên có thể được dùng trong các thiết bị nội soi của y tế. Ngoài ra, tơ không gây phản ứng phụ với cơ thể con người nên có thể dùng để cấy ghép vào cơ thể. Nhà khoa học Fiorenzo Omenetto thuộc trường Đại học Tufts, tiểu bang Massachusetts có ý định tạo ra một loại băng gạc bằng tơ, có gắn thiết bị quan sát điện tử để theo dõi hiện tượng nhiễm trùng ở bệnh nhân sau khi thực hiện phẫu thuật.